Khi nhắc đến Tây Ninh - mảnh đất đầy nắng ấy mọi người lại nghĩ ngay tới địa điểm du lịch nổi tiếng như núi Bà, tòa Thánh, siêu thị miễn thuế… cùng những món ăn đặc sản có tiếng mà những nơi khác khó lòng có được. Bánh tráng sa tế hay muối tôm là một trong những đặc sản có tiếng ở vùng đất này.
Muối tôm Tây Ninh
Đa phần các du khách khi ăn qua muối tôm đều sẽ trầm trồ thắc mắc không hiểu tại sao ở một vùng đất không hề có biển mà lại có một món ngon nổi tiếng như vậy? Đây là bí quyết rất riêng, là niềm tự hào của người dân ở mảnh đất đầy nắng này.
Muối tôm là sự kết hợp hài hòa giữa tôm và muối, hai nguyên liệu này được nhập về từ các tỉnh lân cận, chế biến theo công thức riêng biệt với vị cay của ớt, mùi thơm của tôm và vị mặn vừa phải của muối.
Khâu sản xuất thì vô cũng kỹ lưỡng và công phu. Tôm khô và muối tinh đều phải làm thật sạch, lựa chọn quả ớt sao cho thật đỏ và cay, tất cả nguyên liệu đều phải khô ráo sau đó đem xay nhuyễn. Công đoạn quan trọng tiếp theo là cho tất cả lên chảo và rang đều, đây là phần quyết định chất lượng hạt muối. Người thợ phải canh lửa và rang thật đều tay để muối có màu gạch cùng với hương thơm đặc trưng. Sau đó đem phơi nắng để bảo quản muối được lâu hơn.
Món muối trở thành gia vị dễ nghiền, kích thích vị giác, là đồ chấm không thể thiếu được khi ăn kèm những món đồ vặt như xoài, cốc, ổi... hay dùng trộn bánh tráng sa tế. Muối tôm ăn không vẫn rất ngon và được rất nhiều thực khách chọn mua về làm quà.
Bánh tráng phơi sương
Tận dụng khí hậu ngày nắng đêm sương, người dân Tây Ninh đã tạo nên loại bánh tráng phơi sương mang nét đặc trưng riêng biệt.
Khác với các loại bánh tráng khác, bánh tráng phơi sương thường được tráng đến hai lớp. Bánh vừa chín còn ướt sẽ được đem ra ngoài nắng (từ 9-10h30 giờ) phơi khô để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo. Bánh tráng sau khi phơi khô đem vào nướng, lưu ý là bánh chỉ nướng sơ trên mặt lửa cho đến khi thấy bánh tráng nổi những hạt bong bóng nhỏ trên mặt và ngã sang màu trắng đục thì dừng lại, không được nước cháy hoặc quá phồng. Bánh nướng xong đem phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc từ đêm. Đây là công đoạn quan trọng, vì thế người phơi bánh phải thăm chừng bánh, đợi bánh vừa thấm sương đủ mềm là xếp lại ngay cho vào trong bao để giữ độ mềm dẻo.
Bánh tráng phơi sương thường được ăn cùng với thịt luộc, rau, và được sử dụng để chế biến món bánh tráng sa tế cực ngon, thu hút mọi giới trẻ.
Có dịp đến Tây Ninh thì bạn hãy thưởng thức những đặc sản ở đây và đừng quên mua về làm món quà ý nghĩa dành tặng người thân! Nếu bạn đã có muối tôm và bánh tráng rồi thì hãy thử làm món bánh tráng trộn theo hướng dẫn làm bánh tráng sa tế tại nhà nhé!
Xem thêm: CÁCH LÀM BÁNH TRÁNG TRỘN SA TẾ - MÓN ĂN VẶT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét